Trong sự đa dạng của "bản đồ" ngành nghề hiện nay, nhiều bạn thí sinh không khỏi nhầm lẫn về đối tượng nghiên cứu, kiến thức đào tạo, cơ hội nghề nghiệp của các ngành tương đồng. Trong đó, hai ngành Kinh doanh thương mại và ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng có nhiều “điểm giao” trong tính chất công việc. Vậy làm thế nào để phân biệt ngành Kinh doanh thương mại và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng? Bài viết dưới đây sẽ giúp các bạn giải quyết nghi vấn trên.
Hiểu về ngành Kinh doanh thương mại và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng như thế nào?
Hai ngành học xu hướng này đều thuộc khối ngành kinh tế. Tuy nhiên, ngành nào cũng có những đặc thù nhất định trong chuyên môn. Mỗi ngành đều có đối tượng nghiên cứu riêng biệt và sở hữu các thế mạnh công việc khác nhau. Cụ thể:
Kinh doanh thương mại trang bị kiến thức chuyên sâu về hoạt động bán hàng, về xuất – nhập kho hay quản trị hoạt động ngành hàng bán lẻ như: nghiên cứu hoạt động kinh doanh, bán hàng, nghiên cứu thị trường, hoạt động tiếp thị, PR, Marketing, lập kế hoạch kinh doanh, nghiệp vụ bán hàng, phân tích tài chính,…
Trong khi đó, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là ngành học nghiên cứu vấn đề phát triển và quản trị các dịch vụ vận chuyển trong quá trình sản xuất kinh doanh. Cụ thể là chuỗi các hoạt động bao gồm lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa, kiểm soát nguồn nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ, cung cấp bức tranh toàn cảnh về hệ thống kinh doanh để giúp người quản trị đưa ra chiến lược phát triển sản xuất sao cho hiệu quả nhất và phân bổ hàng hóa đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.
Như vậy, Kinh doanh thương mại là ngành đòi hỏi nhiều kiến thức thực tế và cần có kỹ năng nắm bắt tâm lý tiêu dùng, hành vi mua hàng để từ đó tổ chức các hoạt động bán hàng hiệu quả, thúc đẩy sự phát triển kinh doanh của công ty, doanh nghiệp. Còn Logistics và quản lý chuỗi cung ứng sẽ tập trung khai thác khả năng quản lý, lên kế hoạch và phân công, kĩ năng phân tích vấn đề và điều hành hệ thống kho vận, giao nhận,…
Kinh doanh thương mại và Logistics và quản lý chuỗi cung ứng là hai ngành học có nhiều nét tương đồng nhưng đừng nhầm lẫn, các bạn nhé!
Sự khác biệt về vị trí việc làm giữa 2 ngành Kinh doanh thương mại - Logistics và quản lý chuỗi cung ứng
Tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh doanh thương mại, sinh viên có thể đảm nhận các vị trí công việc như:
- Nhân viên kinh doanh tại các công ty, cửa hàng trên tất cả các lĩnh vực kinh doanh, thương mại
- Chuyên viên phụ trách xuất – nhập khẩu, quản lí kho bãi, chuyên viên bộ phận thu mua, nhân viên bộ phận bán hàng
- Chuyên viên chăm sóc khách hàng tại các công ty, doanh nghiệp thương mại, sản xuất, tiêu dùng
- Chuyên viên Marketing, PR,…
Còn sinh viên tốt nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, các bạn có thể ứng tuyển các vị trí công việc sau:
- Chuyên viên tại các phòng ban thu mua, kế hoạch, kho vận, dịch vụ khách hàng, quản lý, điều hành hệ thống kho vận, vật tư, giao nhận
- Chuyên viên phòng kinh doanh, thiết kế hệ thống quản lý nguồn lực doanh nghiệp, phân tích và cải tiến chất lượng sản phẩm dịch vụ
- Có thể thăng tiến lên vị trí giám đốc điều hành, thu mua vật liệu, phân phối, quản lý vận hành, quản lý dự án
- Làm việc trong cơ quan hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan đến lĩnh vực Logistics
- Nghiên cứu, giảng dạy các bộ môn về Logistics tại các Viện nghiên cứu, trường Đại học, Cao đẳng,...
Với những thông tin vừa cung cấp trên, tin rằng các bạn đã biết cách phân biệt ngành Kinh doanh thương mại và ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Đây sẽ là nền tảng để các bạn có cơ sở lựa chọn ngành nghề mình yêu thích và phù hợp với bản thân. Chúc các bạn thành công!
Tuấn Anh