Chiều ngày 20/3, khóa học "Nghệ thuật lắng nghe và đồng hành cảm xúc" do Trung tâm Tham vấn tâm lý và Hỗ trợ pháp luật UEF tổ chức đã tiếp tục diễn ra buổi học thứ hai, xoay quanh chủ đề: Kỹ thuật lắng nghe chủ động. Qua những chia sẻ của ThS. Nguyễn Anh Khoa - Phó Giám đốc Trung tâm, Giảng viên ngành Tâm lý học, UEFers đã có cơ hội đào sâu hơn về các kỹ thuật lắng nghe, từ đó nâng cao khả năng thấu hiểu và đồng hành với cảm xúc với mọi người.
Kỹ thuật lắng nghe chủ động là "chìa khóa" để UEFers nâng cao chất lượng mối quan hệ
Nếu trong buổi học đầu tiên, sinh viên được làm quen với các nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật lắng nghe, thì ở buổi học này, các bạn đã tiếp cận những kỹ thuật chuyên sâu hơn nhằm giúp cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả và ý nghĩa.
ThS. Nguyễn Anh Khoa nhấn mạnh rằng, lắng nghe không đơn thuần là nghe câu chuyện của người khác mà còn cần chú trọng đến biểu cảm, ngôn ngữ cơ thể, cũng như phản hồi cảm xúc phù hợp. Để trở thành một người lắng nghe chủ động, sinh viên cần rèn luyện khả năng nhận biết và phản ánh lại cảm xúc của đối phương, tránh việc áp đặt suy nghĩ cá nhân lên câu chuyện của họ.
ThS. Nguyễn Anh Khoa sẽ đồng hành với UEFers trong suốt khóa học
Một trong những kỹ thuật quan trọng được chia sẻ trong buổi học này là "đương đầu", nghĩa là giúp đối phương đối mặt với khó khăn, khuyến khích họ nhìn nhận lại vấn đề một cách khách quan, đồng thời cung cấp các công cụ và chiến lược phù hợp để họ tìm ra hướng giải quyết.
Bên cạnh việc rèn luyện khả năng lắng nghe đối phương, ThS. Nguyễn Anh Khoa cũng cho biết thêm, để thực sự đồng hành với cảm xúc của người khác, trước tiên cần hiểu rõ cảm xúc của chính mình. Sinh viên đã tham gia các bài thực hành khám phá cảm xúc cá nhân, qua đó nhận thức rõ hơn về cách cảm xúc ảnh hưởng đến quá trình lắng nghe và phản hồi trong giao tiếp.
UEFers nên kết hợp kỹ thuật lắng nghe và thấu hiểu chính mình
Ngoài ra, giảng viên còn hướng dẫn nhiều kỹ thuật đặc biệt khác như: Xử lý im lặng bằng cách hiểu rằng im lặng cũng là một phần của giao tiếp, tạo không gian để đối phương suy nghĩ, tránh ngắt lời hoặc thúc giục phản hồi; Cung cấp thông tin bằng cách truyền tải thông tin cần thiết một cách rõ ràng, tránh đưa ra quá nhiều thông tin cùng lúc để đảm bảo đối phương có thể tiếp nhận đầy đủ; Bộc lộ bản thân bằng cách chia sẻ cảm xúc và kinh nghiệm cá nhân một cách hợp lý, đảm bảo sự chân thành và đồng cảm, nhưng không lấn át câu chuyện của người đối diện.
Những trải nghiệm thực tế giúp sinh viên nâng cao kỹ năng giao tiếp
Với những kiến thức và kỹ năng hữu ích từ khóa học, UEFers sẽ có thêm hành trang quan trọng để cải thiện khả năng giao tiếp, xây dựng mối quan hệ tốt hơn trong học tập, công việc và cuộc sống. Những buổi học tiếp theo hứa hẹn sẽ tiếp tục mang đến nhiều nội dung giá trị, giúp sinh viên phát triển toàn diện hơn về tư duy cảm xúc và kỹ năng lắng nghe.
TT.TT-TT