Menu
  
Tin hướng nghiệp

Thí sinh chọn khối ngành kinh tế, tài chính: Việc làm trong tầm tay

20/02/2014

Ngày 20.2 vừa qua, đại diện Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, Tiến sĩ Dương Tấn Diệp - Phó Hiệu trưởng nhà trường đã tham gia chương trình tư vấn trực tuyến ” Chọn ngành nghề phù hợp” do Báo Thanh Niên tổ chức.

Bên dưới là một số thắc mắc của phụ huynh, học sinh gởi về Ban tổ chức và đã được thầy Dương Tấn Diệp giải đáp.

 

Tuyển sinh của khối ngành kinh tế

Một bạn đọc đặt câu hỏi đến chương trình: “Năm ngoái em thi ĐH Mở ngành quản trị kinh doanh nhưng không đậu vì em chỉ đạt 12,5 điểm. Năm nay em thi vào Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh được không? Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh bao nhiêu điểm là trúng tuyển? Cho em hỏi bằng cấp của trường có giá trị giống Trường ĐH Kinh tế không? Chương trình QTKD dạy bằng tiếng Việt hay tiếng Anh? Chương trình liên kết vậy sau 2 năm học ở Việt Nam, 3 năm sau thì học ở nước nào, học phí ra sao?

Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh giải đáp: Năm ngoái thi ĐH Mở không đậu thì năm nay có thể thi bất cứ trường nào chứ không riêng gì trường Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh (UEF). UEF xét tuyển từ điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Bằng cấp của trường có giá trị giống như bằng cấp của tất cả các trường đại học trong nước. Tất cả các ngành đào tạo của UEF đều có một số môn phải học bằng tiếng Anh.
Riêng chương trình liên kết với nước ngoài thì trường đã có liên kết với một số trường ở Mỹ và đang trong quá trình liên kết với nhiều trường khác. Ví dụ chương trình 2+2 hợp tác với Đại học Missouri – St. Louis, 2 năm đầu học tại UEF với học phí khoảng trên 4.000 USD/năm, 2 năm sau học tại Đại học Missouri với học phí hơn 18.000 USD/năm (chưa kể chi phí ăn ở và sinh hoạt khác). Kết quả 5 năm qua cho thấy các sinh viên học theo chương trình này, khi chuyển tiếp sang Mỹ đã đạt được những thành tích rất tốt. Nhiều trường đại học khác ở Mỹ cũng tiêp nhận sinh viên UEF dù không có hợp đồng hợp tác với UEF.

Một học sinh nữ tại hội trường đặt câu hỏi: “Em nhờ thầy cô tư vấn dùm điều gì cần lưu ý khi thi vào chuyên ngành kinh tế – quản trị?”

Về việc chọn các ngành thuộc khối kinh tế – quản trị, thầy Diệp chia sẻ một số kinh nghiệm: Tiêu chí đầu tiên để chọn ngành là tính cách cá nhân, sở thích và sở trường của mỗi người, vì điều này giúp các bạn học tốt, có thái độ làm việc tốt và phát triển nghề nghiệp tốt hơn sau này.

Về sở thích, theo Hội đồng các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ, khối ngành kinh tế – quản trị phù hợp với các bạn có những sở thích chung như: thích kinh doanh, quản lý; thích làm việc với những con số; thích tương tác, thảo luận và làm việc với nhiều người; thích công việc mang tính thách thức, thậm chí có thể có rủi ro. Còn nếu đi sâu vào từng chuyên ngành, mỗi chuyên ngành phù hợp với một số sở thích mang tính đặc trưng. Chẳng hạn nếu bạn thích theo dõi thị trường chứng khoán; thích các thông tin về tiền tệ, ngân hàng, lãi suất; thích mô hình kinh doanh theo kiểu hộ gia đình thì có nhiều khả năng là bạn sẽ thích chuyên ngành Tài chính – Ngân hàng. Nếu bạn thích việc mua bán; thích quan tâm đến chất lượng các mẫu quảng cáo; hay đơn giản là thích để ý đến cách trưng bày sản phẩm trong siêu thị thì bạn sẽ thích chuyên ngành Marketing. Nếu thích đi du lịch; thích tìm hiểu về văn hóa, đất nước, con người của các quốc gia; thích công việc mang tính thách thức một chút thì sẽ phù hợp với chuyên ngành Du lịch hoặc Kinh doanh quốc tế. Nhưng trong trường hợp này bạn sẽ không phù hợp với chuyên ngành Kế toán – Kiểm toán, vì ngành này phù hợp với những bạn thích sự chính xác, thận trọng và chuẩn mực.

Sở thích là một chuyện, còn sở trường, năng lực lại là chuyện khác. Cũng theo Hội đồng các trường đại học và cao đẳng Hoa Kỳ, khối ngành kinh tế – quản trị phù hợp với những bạn có khả năng quan sát, phân tích, có óc tổ chức; có khiếu lãnh đạo, thuyết phục hoặc gây ảnh hưởng đến người khác; có khả năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách độc lập và có phần sáng tạo; có một số kỹ năng cơ bản như làm việc nhóm, giao tiếp, nói, viết…

Tuy nhiên, theo thầy Diệp thì rất khó có người có đầy đủ những khả năng hay sở thích như vậy. Các bạn chỉ cần có một số sở thích, sở trường nêu trên. Quá trình học tập và rèn luyện ở bậc đại học sẽ giúp các bạn hoàn thiện những sở thích, và đặc biệt là những khả năng của mình để phù hợp với yêu cầu ngành học mà bạn đã chọn.

 

 

Ngành ngân hàng hết “nóng”?

Em quan tâm ngành quản trị marketing ở Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh, trường có ngành đó không và điểm chuẩn khối D, A1 là bao nhiêu, chỉ tiêu từng khối như thế nào? Ba em là thương binh thì có được hỗ trợ và miễn giảm gì không?“, em Trần Thị Ngọc Phúc – học sinh lớp 12, Trường THPT Marie Curie đặt câu hỏi tại buổi tư vấn.

Trả lời thắc mắc này, Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh cho biết: UEF tập trung đào tạo các ngành có thế mạnh là Quản trị kinh doanh, Tài chính-Ngân hàng, Kế toán-Kiểm toán. Trong ngành Quản trị kinh doanh đào tạo tại trường có chuyên ngành Marketing. Trường xét tuyển các khối A, A1, D1-D6, căn cứ vào điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Trường đào tạo theo mô hình chất lượng cao nên học phí trường khá cao, nhưng bù lại, trường có có nhiều chính sách học bổng. Ba em là thương binh, không thuộc diện được nhận học bổng. Em hãy đến trường để tìm hiểu các chương trình học bổng khác phù hợp với hoàn cảnh của mình.

 

Học phí khối tài chính, kinh tế

Bạn đọc hỏi: “Nghe nói trường Kinh tế – Tài chính học phí cao. Trường có chính sách hỗ trợ nào? Muốn học ngành ngân hàng ở trường thì chi phí thế nào?”.

Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Theo công bố, học phí ở UEF khoảng hơn 70 triệu/năm đối với bậc đại học, khoảng 55 triệu/năm đối với bậc cao đẳng. Tuy nhiên, học bổng của trường bù đắp lại cho sinh viên phần chi phí khá lớn, ít nhất 40% học phí. Trong chương trình trong nước, trường có hai nhóm học bổng: học bổng tuyển sinh và học bổng khuyến khích trong quá trình học tập.

Học bổng trong quá trình học tập tại trường có đến 5-6 loại, trong đó có những suất học bổng lên đến 100% học phí và có cả những suất học bổng du học nước ngoài hoặc học tập và tham quan ở các trường đối tác của UEF tại Hoa kỳ.

Học bổng tuyển sinh thì có hai loại. Một là học bổng khuyến khích học sinh giỏi, cấp 100% học phí 4 năm học cho thí sinh trúng tuyển đầu vào từ 24 điểm trở lên, cấp 80% học phí 4 năm học cho thí sinh trúng tuyển đầu vào từ 21 điểm đến cận 24 điểm. Hai là học bổng ưu đãi. Nhờ loại học bổng ưu đãi này mà học phí thực đóng của sinh viên chỉ ở mức tử từ 45 triệu đồng/năm trở xuống đối với bậc đại học (thay vì hơn 70 triệu như công bố), từ 35 triệu đồng/năm trở xuống đối với bậc cao đẳng (thay vì hơn 55 triệu theo công bố).

Đặc biệt, trường không khống chế số lượng học bổng đối với hầu hết các loại học bổng, nghĩa là có bao nhiêu sinh viên đạt chuẩn thì nhà trường sẽ cấp bấy nhiêu suất học bổng cho sinh viên. Cho nên các bạn không cần cạnh tranh với những bạn sinh viên cùng học mà chỉ cần vượt lên chính mình, phấn đấu học giỏi để nhận được học bổng thì việc trang trải việc học ở trường không quá khó khăn.

 

Khối kinh tế, tài chính dễ kiếm việc?

Phụ huynh gửi thư cho chương trình tỏ ra trăn trở: “Tôi chưa biết làm sao khi có 3 đứa con học kinh tế ra vẫn chưa có việc làm? Xin được việc thực sự rất khó nên tôi phải lo tiền để tìm việc cho con cái. Thực tế nghề nghiệp liên quan ngành kinh tế này như thế nào?“.

Tiến sĩ Dương Tấn Diệp, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Không có việc làm là nỗi ám ảnh của tất cả sinh viên thuộc tất cả các ngành. Trong nền kinh tế thị trường, sự biến động về cơ cấu kinh tế dẫn đến sự biến động về nhu cầu nguồn nhân lực trong từng ngành là điều không tránh khỏi, làm cho có lúc thất nghiệp ngành này tăng, ngành khác giảm. Thời gian qua, nền kinh tế trì trệ, làm cho khả năng tìm việc các ngành kinh tế – quản trị giảm sút. Tuy nhiên, không vì lý do đó mà không dám chọn học các ngành này theo đúng sở thích và sở trường của mình, vì các bạn bắt đầu học hôm nay thì phải sau 4 năm nữa mới tốt nghiệp – là lúc mà biết đâu nhu nguồn nhân lực kinh tế – quản trị có thể tăng mạnh trở mạnh. Vấn đề là phải học thực để có kiến thức thực, có năng lực thực sự, đáp ứng tốt yêu cầu các nhà tuyển dụng. Ngoài ra, việc đào tạo đại học còn tạo ra năng lực tự thích nghi cho sinh viên. Trong một gian đoạn nhất định nào đó, bạn vẫn có thể làm việc ở lĩnh vực không đúng chuyên ngành của mình. Tất nhiên, khi đó các bạn phải nỗ lực nhiều hơn.

Cũng cần nói thêm rằng, trúng tuyển vào một trường có điểm chuẩn thấp chưa hẳn là năng lực kém, bởi lẽ nó chỉ phản ánh qua một vài môn thi trong một kỳ thi. Thực tế có những bạn không trúng tuyển trường nào cả, chuyển sang học các chương trình liên kết quốc tế hoặc du học lại rất thành công. Chẳng hạn như UEF xét tuyển từ điểm sàn, nhưng có hơn 20% có việc làm ngay sau khi kết thúc thời gian thực tập tốt nghiệp, có 87-100% sinh viên tôt nghiệp có việc làm sau 6 tháng đến 1 năm, trong đó có 84% làm việc đúng chuyên môn đào tạo (trong khi xã hội có đến hơn 60% làm việc trái ngành). Khá nhiều sinh viên UEF được các công ty hàng đầu tuyển dụng, trong đó tỷ lệ được tuyển dụng vào các công ty đa quốc gia đạt từ 20-27% số sinh viên có việc làm. Điều đó chứng tỏ điểm đầu vào chỉ là một phần của câu chuyện. Vấn đề là phương pháp đào tạo và sự nỗ lực của bản thân sinh viên.

 

(Trích nguồn: Thanhnien Online)

TIN LIÊN QUAN