Sáng ngày 13/3, ngành Ngôn ngữ Nhật, Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế UEF đã tổ chức thành công workshop "Tinh thần Nhất kỳ nhất hội trong trà đạo Nhật Bản". Chương trình không chỉ mang đến những thông tin sâu sắc về trà đạo mà còn giúp sinh viên hiểu rõ hơn về tinh thần và triết lý sống của con người xứ sở hoa anh đào. Diễn giả của chương trình là nghệ nhân Trần Quang Châu – người có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu văn hóa Nhật Bản.
Workshop thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên Nhà trường
Workshop có sự tham dự của thầy Võ Văn Thành Thân - Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực Việt Nhật UEF, Phó trưởng Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa quốc tế; ThS. Cao Đỗ Quyền - Trợ lý ngành Ngôn ngữ Nhật cùng đông đảo sinh viên quan tâm đến nghệ thuật trà đạo xứ phù tang.
Đại diện Ban tổ chức trao quà cảm ơn đến diễn giả
Trà đạo Nhật Bản có lịch sử hơn 800 năm, khởi nguồn từ việc du nhập trà xanh từ Trung Quốc vào thế kỷ XII. Theo thời gian, trà đạo không chỉ là một cách thưởng thức trà mà còn phát triển thành một nghi lễ mang đậm tính triết lý, đề cao sự tĩnh lặng, hài hòa và lòng hiếu khách. Ba trường phái trà đạo lớn của Nhật Bản gồm Urasenke – trường phái phổ biến nhất, nhấn mạnh sự linh hoạt và cởi mở trong việc thực hành trà đạo; Omotesenke – đề cao sự mộc mạc, đơn giản và trang trọng; Mushanokoji Senke – chú trọng vào tinh thần tĩnh lặng và sự khiêm tốn trong từng động tác.
Thầy Võ Văn Thành Thân chia sẻ về ý nghĩa của hoạt động này
Tinh thần trà đạo được gói gọn trong bốn nguyên tắc cốt lõi: Hòa – hài hòa, kết nối giữa con người với thiên nhiên và xã hội; Kính – tôn kính, thể hiện sự trân trọng đối với mọi người và vạn vật; Thanh – thanh sạch, tinh khiết trong tâm hồn và môi trường xung quanh; Tịch – tĩnh lặng, điềm tĩnh, giúp con người tìm về sự an nhiên. Người Nhật rất tôn sùng tinh thần "Nhất kỳ nhất hội" – tức là "một lần gặp gỡ, một lần trong đời". Mỗi buổi thưởng trà là một khoảnh khắc duy nhất, không thể lặp lại, do đó cần trân trọng từng giây phút và đối đãi với nhau bằng sự chân thành.
![]()
Diễn giả giúp UEFers hiểu sâu sắc về tinh thần Nhất kỳ nhất hội trong văn hóa trà đạo Nhật Bản
Trong workshop, nghệ nhân Trần Quang Châu đã hướng dẫn sinh viên các bước thực hiện nghi thức trà đạo, từ việc chuẩn bị đến cách thưởng thức trà đúng cách. Các nghi thức chính bao gồm trà sự – buổi tiệc trà chính thức với quy trình chuẩn mực; trà hội – buổi thưởng trà mang tính giao lưu, thư giãn; hội trà ngoài trời – tổ chức tại không gian thiên nhiên; trà thất – không gian thiền định, nơi diễn ra các buổi trà đạo trang trọng. Bên cạnh đó, sinh viên còn được tìm hiểu về các loại bánh ngọt truyền thống Nhật Bản được dùng trong trà đạo như wagashi, với hình dáng và hương vị phù hợp với từng mùa.
Sinh viên tương tác cùng diễn giả, tích cực tìm hiểu văn hóa xứ phù tang
Buổi workshop là cơ hội để sinh viên UEF mở rộng kiến thức về văn hóa Nhật Bản và cũng là dịp để rèn luyện sự tĩnh lặng, tinh tế và lòng biết ơn trong cuộc sống. Qua từng cử chỉ, từng giọt trà, mỗi người tham gia đều có thể cảm nhận được triết lý sâu sắc của trà đạo, giúp nuôi dưỡng tâm hồn và nâng cao giá trị tinh thần. Workshop đã khép lại cùng những trải nghiệm đáng nhớ đối với các bạn sinh viên yêu thích văn hóa Nhật Bản, tạo động lực để các bạn tiếp tục tìm hiểu và khám phá trong thời gian tới.
TT.TT-TT