Tiếp nối chuỗi hoạt động học kỳ mùa hè dành cho đoàn sinh viên Trường Đại học Tài chính - Kinh tế Quý Châu (GUFE), Trung Quốc, ngày 12/7, Nhà UEF đã tổ chức chương trình tham quan thực tế tại hai doanh nghiệp ở Bình Dương. Chuyến đi không chỉ mang đến cho sinh viên GUFE góc nhìn thực tế về môi trường sản xuất - kinh doanh tại Việt Nam, mà còn là dịp để các bạn UEFers đồng hành, học hỏi và phát triển kỹ năng giao tiếp quốc tế trong môi trường đa văn hóa.
Tìm hiểu mô hình sản xuất hiện đại tại Viet Nam Owen Cabinets
Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Viet Nam Owen Cabinets - doanh nghiệp chuyên sản xuất tủ bếp cao cấp với hệ thống dây chuyền hiện đại được nhập khẩu từ châu Âu, Mỹ và Đài Loan. Tại đây, sinh viên được đại diện doanh nghiệp giới thiệu tổng quan về quy mô, định hướng phát triển, văn hóa doanh nghiệp và hệ thống sản phẩm chủ lực phục vụ thị trường quốc tế.
Sinh viên quốc tế ấn tượng với quy trình sản xuất tại Owen Cabinets
Sau phần giới thiệu, đoàn được tham quan trực tiếp các khu vực sản xuất trong nhà xưởng như khu phân loại nguyên vật liệu, khu vực lắp ráp, dây chuyền chà nhám máy, dây chuyền sơn, khu vực UV, khu đóng gói thành phẩm,... Dưới sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật, sinh viên hai trường có cơ hội quan sát quy trình sản xuất khép kín, đồng thời hiểu rõ hơn về cách thức quản lý, kiểm soát chất lượng và ứng dụng công nghệ vào hoạt động chế tác nội thất.
Sinh viên GUFE và UEF lắng nghe giới thiệu tổng quan về hoạt động sản xuất tại Owen Cabinets
Sinh viên GUFE đặc biệt ấn tượng với hệ thống robot tự động hóa cùng quy trình vận hành tối ưu tại nhà máy, thể hiện sự chuyên nghiệp trong từng chi tiết sản xuất. Song song đó, sinh viên UEF vừa linh hoạt hỗ trợ ngôn ngữ, vừa chủ động kết nối và tìm hiểu thêm về môi trường làm việc trong các doanh nghiệp FDI, tận dụng cơ hội để mở rộng hiểu biết thực tế và kỹ năng giao tiếp quốc tế.
Các bạn trực tiếp quan sát các công đoạn như phân loại, chà nhám, sơn và lắp ráp sản phẩm
Khám phá công nghệ in tiên tiến tại Công ty TNHH Cheng Zhan Việt Nam
Điểm dừng chân tiếp theo trong hành trình tham quan là Nhà máy In 5D - Công ty TNHH Cheng Zhan Việt Nam, nơi sở hữu hệ thống in hiện đại phục vụ cho các đơn hàng quốc tế quy mô lớn.
Sinh viên hai trường tham quan nhà máy in 5D
Tại đây, sinh viên được giới thiệu chi tiết về các kỹ thuật in đang được triển khai tại nhà máy - từ in lụa, in chuyển nhiệt, in kỹ thuật số UV cho đến in nổi, in chìm và hàn cao tần. Mỗi công nghệ in đều có quy trình xử lý riêng biệt, đòi hỏi độ chính xác cao và tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra đồng đều, đạt yêu cầu khắt khe từ đối tác.
Đoàn sinh viên tìm hiểu tổng quan về kỹ thuật in hiện đại tại Cheng Zhan Việt Nam
Bên cạnh việc tìm hiểu công nghệ, sinh viên hai trường cũng được doanh nghiệp chia sẻ thông tin về hệ thống đối tác mà Cheng Zhan đang hợp tác. Đây đều là các thương hiệu quốc tế lớn, với yêu cầu cao về kỹ thuật, tiến độ và độ ổn định trong sản xuất.
Đại diện UEF trao quà cảm ơn đến doanh nghiệp
Ngay sau phần trình bày, đoàn sinh viên được dẫn vào tham quan trực tiếp các khu vực sản xuất như: xưởng in 3D, in 5D, khu sấy khô, khu đóng gói thành phẩm,... Dưới sự hướng dẫn của nhân viên kỹ thuật, các bạn được tận mắt quan sát quy trình vận hành máy móc, cách kiểm tra chất lượng từng công đoạn và quy trình tổ chức sản xuất chuyên nghiệp. Không khí làm việc nghiêm túc, gọn gàng và tuần tự của nhà máy đã để lại ấn tượng mạnh, giúp UEFers và GUFEers hình dung rõ nét hơn về cách các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ in hiện đại vào sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Có thể nói, mỗi điểm đến trong hành trình không đơn thuần là một chuyến tham quan mà chính là một “lớp học mở” - nơi lý thuyết học thuật gặp gỡ thực tế sản xuất. Thông qua việc quan sát công nghệ vận hành, lắng nghe chia sẻ từ đội ngũ quản lý và chủ động đặt câu hỏi, tin rằng các bạn sinh viên đã có cơ hội nhìn nhận một cách tổng thể hơn về bức tranh sản xuất tại Việt Nam.
Sinh viên đặt nhiều câu hỏi về công nghệ in, quy trình kỹ thuật và yêu cầu chất lượng sản phẩm
Những khoảnh khắc giao lưu, học hỏi và sẻ chia kinh nghiệm nghề nghiệp giúp thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác song phương, đồng thời bồi đắp sự tự tin, kỹ năng giao tiếp đa văn hóa và tầm nhìn hội nhập cho thế hệ sinh viên hai nước.
Việc tạo điều kiện để đoàn sinh viên quốc tế tham quan doanh nghiệp tại Việt Nam, song hành với sinh viên UEF đã phần nào vun đắp một môi trường học thuật sôi nổi, đa văn hóa và đậm chất hội nhập. Từng hoạt động, mỗi nhịp gắn kết đều chứng thực cam kết của UEF trong việc trang bị cho người học nền tảng chuyên môn vững chắc, tư duy toàn cầu, năng lực giao tiếp đa ngôn ngữ và sức bật thích ứng trước biến đổi.
TT.TT-TT