Menu
  
Tin tuyển sinh

Sinh viên Nhà UEF tiết lộ "bí kíp" xét tuyển đại học thành công

27/06/2021
Các sĩ tử 2k3 đang chuẩn bị bước vào giai đoạn quan trọng nhất của thời học sinh - kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Bên cạnh mục đích xét tốt nghiệp, điểm kỳ thi này còn sử dụng để xét tuyển vào các trường đại học. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ôn tập và gây tâm lý lo lắng cho nhiều thí sinh. Việc lựa chọn thêm một phương thức xét tuyển khác để đảm bảo an toàn là điều cần thiết.
 
Nhiều UEFers đã từng lựa chọn phương thức xét tuyển học bạ
 
Bên cạnh điểm thi tốt nghiệp, xét tuyển học bạ THPT từ nhiều năm nay đã trở thành phương thức nhận được sự quan tâm lớn của phụ huynh, thí sinh. Không chỉ giúp sĩ tử giảm đi áp lực thi cử, tăng cơ hội trúng tuyển đại học mà phương thức này còn mang lại nhiều lợi ích khác như nhận được các suất học bổng giá trị, thủ tục tiện lợi.
Bạn Trân Nhi – sinh viên năm 3, Viện quốc tế UEF chia sẻ: “Theo bản thân mình thì phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng là một hướng đi mới giúp các bạn có nhiều cơ hội và sự lựa chọn hơn để đậu trường đại học yêu thích. So với việc xét tuyển bằng điểm thi THPT thì xét tuyển bằng học bạ sẽ giảm bớt áp lực thi cử. Mình chỉ có một vài lưu ý nhỏ trước khi bạn nộp hồ sơ thôi: tập trung đọc kỹ hướng dẫn (như là quy định viết in hoa họ và tên của bạn), kiểm tra các thông tin quan trọng (số chứng minh nhân dân nè, số điện thoại nè, rồi đến mã trường, mã ngành…)”.
 
 
Trân Nhi - Sinh viên năm 3 - Viện quốc tế UEF
 
Cũng là một thí sinh đã trúng tuyển bằng phương thức này vào 3 năm trước, bạn Phúc Trường –  Viện quốc tế tại UEF chia sẻ: “Những lợi thế của việc xét học bạ khá hấp dẫn: cơ hội trúng tuyển cao và có nhiều thời gian chuẩn bị hồ sơ. Theo kinh nghiệm của mình, các bạn nộp học bạ sớm, trúng sơ tuyển sớm sẽ được nhập học UEF sớm ngay khi có Giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời. Nhờ đó, bạn sẽ có nhiều thời gian làm quen với môi trường mới giống mình trước đây: tìm hiểu cách học tập, hoạt động ở trường đại học, tìm kiếm được những người bạn đồng hành mới, tranh thủ cơ hội ứng tuyển sớm vào các câu lạc bộ, làm quen và học hỏi các anh chị UEFers khóa trước”.
 
 
Phúc Trường – chàng trai đã nhận ra nhiều ưu điểm từ phương thức xét học bạ 
 
Giảm áp lực thi cử, giúp thí sinh an tâm hơn, tránh rủi ro phát sinh như vấn đề tâm lý, sức khỏe trong ngày thi, đặc biệt, thủ tục đơn giản chính là những điểm cộng cho phương thức xét tuyển bằng học bạ. Tuy rằng đơn giản nhưng sĩ tử vẫn phải hết sức lưu ý khi làm hồ sơ, đảm bảo chính xác các yếu tố về thông tin, điều kiện để được công nhận hợp lệ. 
Có nhiều kinh nghiệm trong quá trình hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký, bạn Như Mơ – sinh viên khóa 2020 khoa Tài chính – Thương mại nhắn nhủ: “Thủ tục xét tuyển đơn giản nhưng quá trình hoàn thành hồ sơ cũng khá đau đầu. Với kinh nghiệm của một người từng trải qua cảm giác ghi sai gần chục bộ hồ sơ thì mình có một vài lưu ý cho các bạn như sau: nên ghi nháp bên ngoài thử vài lần để kiểm tra thông tin đã đúng hay chưa, làm đúng quy định chữ cái cần viết hoa, kiểm tra chính tả (lỗi sai thường gặp phải là nhầm lẫn dấu hỏi và dấu ngã). Đặc biệt lưu ý không ghi tắt, bạn cần ghi đầy đủ, chính xác các ký hiệu số và ký hiệu chữ với mã trường, mã ngành”.
 
 
Bạn Như Mơ là người có nhiều kinh nghiệm trong làm hồ sơ xét tuyển 
 
Với tư cách là người đi trước, đã gắn bó với mái nhà UEF suốt 3 năm, bạn Bảo Hân – Sinh viên năm 3 khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông nhắn nhủ đến thế hệ đàn em sắp bước vào ngôi nhà chung UEF: “Tuy thủ tục xét tuyển khá đơn giản nhưng mình cũng từng biết rất nhiều bạn mắc lỗi học bạ không hợp lệ, ví dụ như: quên công chứng, thiếu dấu mộc đỏ, bản sao không rõ chữ/điểm số, thiếu thông tin,... Những lỗi này dẫn đến việc hồ sơ của bạn sẽ không có hiệu lực và mất thời gian để làm lại, nộp lại. Đây cũng chính là lưu ý mình muốn nhắc nhở các bạn thí sinh năm nay đang có ý định xét tuyển học bạ vào UEF. Hãy lưu ý kiểm tra bản sao học bạ thật kỹ để có một bộ hồ sơ hợp lệ”.
 
 
Bạn Bảo Hân – sinh viên năm 3, khoa Quan hệ công chúng và Truyền thông
 
Chưa có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời thì làm sao? Hoặc chưa có bằng tốt nghiệp THPT có đăng ký xét tuyển vào UEF được không? là những câu hỏi được nhiều thí sinh đặt ra. Những chia sẻ của bạn Thái Trinh – sinh viên năm 3 ngành Quan hệ công chúng sẽ giúp các bạn giải đáp thắc mắc này:
Các bạn thí sinh thường băn khoăn không biết phải làm sao khi thấy trong hồ sơ yêu cầu có giấy Chứng nhận tốt nghiệp THPT tạm thời mà hiện tại các bạn không có. Mình thường trả lời thế này: "Giấy CNTNTT có thể được nộp bổ sung ngay sau khi em có, trước mắt mình chỉ cần gửi về UEF hồ sơ gồm mẫu đơn đăng kí xét tuyển và học bạ photo công chứng có đầy đủ các đầu điểm xét tuyển là được. Bên cạnh đó, điều cần lưu ý khi xét học bạ là phải là nhớ công chứng học bạ, mình có thể xin dấu xác nhận ở trường cấp 3 hoặc công chứng ở địa phương đều được”.
 
 
Bạn Thái Trinh – Sinh viên năm 3 ngành Quan hệ công chúng UEF
 
Trong các kỳ tuyển sinh, các trường đại học sẽ triển khai nhiều phương án tuyển sinh khác nhau để giúp thí sinh nâng cao cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mình yêu thích. Các sĩ tử cũng nên cân nhắc khả năng và tính toán về sự tiện lợi, an toàn, đặc biệt trước tác động của thời buổi 5K để đưa ra phương thức xét tuyển phù hợp.
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN