Menu
  
Tin tức sự kiện

Sinh viên khoa Luật học chuyên ngành hiệu quả hơn với Tọa đàm "tiếng Anh pháp lý"

24/05/2021
Bước vào các môn chuyên ngành, UEFers sẽ thường xuyên sử dụng tiếng Anh để học tập. Lúc này vốn tiếng Anh chuyên ngành là công cụ ngôn ngữ cần thiết phải trau dồi và rèn luyện không ngừng.
Nhằm giúp các bạn sinh viên bổ sung kiến thức, kỹ năng sử dụng tiếng Anh pháp lý, khoa Luật đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Talk On Legal English” vào sáng ngày 22/5 vừa qua.
 
hội thảo trực tuyến tiếng anh pháp lý

Buổi tọa đàm trực tuyến về tiếng Anh pháp lý diễn ra sáng ngày 22/5 vừa qua
  
 
Chương trình có sự tham dự của TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng, Viện trưởng Viện quốc tế, ThS. Lê Dũng – Trưởng phòng Đào tạo, ThS. Vũ Anh Sao – Phó Trưởng khoa Luật cùng các thầy, cô giảng viên của khoa.
Về phía diễn giả, có ThS. Trần Thị Ngọc Hà – Luật sư Công ty Luật TNHH YKVN, ThS. Dương Anh Long – Luật sư Công ty Luật TNHH VILAF và ThS. Hồ Vĩnh Long – Giám đốc pháp chế Ngân hàng HSBC. 

 
Buổi tọa đàm trực tuyến về tiếng Anh pháp lý
Các diễn giả khách mời và thầy, cô UEF đồng hành với chương trình
 
 
3 diễn giả chính: ThS. Dương Anh Long, ThS. Trần Thị Ngọc Hà, ThS. Hồ Vĩnh Long
 
Mở đầu tọa đàm, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc chia sẻ: “Với môi trường song ngữ - quốc tế, UEF luôn chú trọng đào tạo về tiếng Anh, trong đó, tiếng Anh chuyên ngành là một mảng quan trọng. Đặc biệt, đối với ngành Luật, hệ thống Luật ở các nước là khác nhau, vì vậy, việc tiếp cận tiếng Anh chuyên ngành cũng sẽ khó hơn và cần nhiều cố gắng để tìm tòi, học hỏi”.
Xuyên suốt chương trình, để sinh viên có thể tiếp cận và dễ hình dung, các diễn giả đã chia sẻ theo mạch câu chuyện của 3 vấn đề: sự cần thiết của tiếng Anh pháp lý, cách tiếp cận hiệu quả và cách để thể hiện khả năng ra bên ngoài.

Khởi động quá trình trao đổi, ThS. Trần Thị Ngọc Hà đã mang đến một tín hiệu tích cực cho sinh viên ngành Luật khi nhận định: “Luật là một trong những ngành có thể làm việc ở nhiều nơi nhất, có thể gộp chung ở 3 tổng thể: các cơ quan nhà nước, các công ty luật trong hoặc ngoài nước, phòng pháp chế các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp”. Đồng thời, cô Hà nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh pháp lý trong nghề nghiệp, đặc biệt là ở các vị trí trong công ty luật hoặc phòng pháp chế. Cô cho biết các sở, ban, ngành đều có học bổng khuyến khích du học để phát triển nhân sự, nếu có nền tảng tốt về ngoại ngữ sẽ bước gần hơn đến cơ hội này. 
 
 Buổi tọa đàm trực tuyến về tiếng Anh pháp lý1
Luật sư Trần Thị Ngọc Hà với hơn 10 năm kinh nghiệm trong nghề đã chia sẻ đến sinh viên những kiến thức nghề nghiệp bổ ích
 
Tiếp đó, các luật sư chia sẻ đến sinh viên những nguồn tài liệu mà các bạn có thể tiếp cận để trau dồi và phát triển khả năng ngôn ngữ như: tận dụng nguồn sách về tiếng Anh mà thầy, cô đã cung cấp trên giảng đường, tìm kiếm và tiếp cận với những quyển sách liên quan đến chuyên ngành, các bản dịch, từ điển luật,…
Theo các diễn giả, trong quá trình làm việc sau này, khi một sản phẩm của bạn được hoàn thiện sẽ phải trải qua nhiều tầng kiểm chứng để đưa ra bản cuối cùng gửi cho khách hàng, đối tác. Dựa vào bản này, đối chiếu với bản gốc do mình tự soạn, các bạn cũng tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm cho mình.
ThS. Hồ Vĩnh Long cũng có lời khuyên đến sinh viên UEF: “Trong 5 năm đầu tiên, các bạn đi làm nên kết hợp với đi học. Dốt không xấu, giấu dốt mới xấu. Vì vậy, hãy mạnh dạn đặt câu hỏi khi có thắc mắc”.
 
 
“Không biết phải hỏi, muốn giỏi phải rèn” là thông điệp ThS.LS. Hồ Vĩnh Long muốn gửi gắm đến sinh viên 
 
Các diễn giả đều thống nhất, Luật là một ngành nghề cần thiết để tránh những rủi ro pháp lý, để đảm bảo an toàn, mỗi doanh nghiệp đều cần có một đội ngũ tư vấn pháp lý, luật sư riêng cho mình. Quay về các cá nhân hành nghề luật, phải là những người cẩn trọng, tỉ mỉ, có óc quan sát và nhìn nhận vấn đề, đặc biệt phải thể hiện được sự chuyên nghiệp trong công tác.
Sự chuyên nghiệp trong ngành nghề cơ bản nhất được ThS. Dương Anh Long nhắc đến là việc thể hiện thông tin pháp lý thông qua cách trình bày văn bản luật: nội dung xác định rõ vấn đề muốn đề cập, đối tượng đang đề cập là ai cần rõ ràng, cụ thể; nhất quán về cách sử dụng ngôn ngữ (Anh - Anh hoặc Anh – Mỹ); bố cục hợp lý, đẹp mắt. Điều tối kỵ mà các luật sư nhắc nhở khi tiến hành soạn thảo một văn bản luật là sao chép “vô tội vạ” dẫn đến việc sa vào những điều luật chưa được cập nhật đúng thời gian thực tế hoặc lỗi sai cơ bản hơn là quên điều chỉnh thông tin khách hàng. 
 
 
“Chỉn chu từ nội dung đến hình thức sẽ thể hiện được sự chuyên nghiệp, đặc biệt đối với một ngành đặc thù về các điều khoản pháp lý như Luật” – ThS. Dương Anh Long
 
Cuối chương trình, các diễn giả chốt lại “Để học giỏi tiếng Anh pháp lý, trước hết các bạn cần giỏi tiếng Anh thông dụng”.
Thông qua buổi tọa đàm, các luật sư đã mang đến cho sinh viên những hành trang bổ ích trước khi bước vào hành trình sử dụng tiếng Anh pháp lý. Hi vọng từ những kinh nghiệm được các diễn giả truyền đạt, các bạn sẽ tự tin chinh phục các môn chuyên ngành trong thời gian tới.
 
Tin: Kim Quy
Ảnh: Hữu Bắc
TIN LIÊN QUAN