Menu
  
Tin tức sự kiện

Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ giúp IRers nắm bắt sự thay đổi trong ngoại giao thời Covid

16/09/2021
Luôn tạo ra diễn đàn chia sẻ, trao đổi để sinh viên cập nhật những thông tin về tình hình thế giới trong bối cảnh Covid-19, khoa Quan hệ quốc tế UEF tiếp tục tổ chức Tọa đàm khoa học “Ngoại giao thời Covid” vào tối ngày 15/9 vừa qua. Thông qua chương trình, sinh viên được cải thiện kỹ năng tư duy độc lập, tư duy phản biện, liên hệ kiến thức giữa các môn học và sự kiện chính trị. 
Chương trình có sự tham dự của TS. Trần Thanh Huyền – Trưởng khoa Quan hệ quôc tế, TS. Đào Minh Hồng – Phó Trưởng khoa, các giảng viên cùng đông đảo sinh viên UEF và một số trường bạn như: Học viện ngoại giao, ĐH KHXH&NV,…
Diễn giả lần này là TS. Đỗ Thanh Hải - Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ; Nghiên cứu viên cao cấp và Tập sự phó Vụ trưởng tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam (DAV). 
 
Diễn giả chính là TS. Đỗ Thanh Hải – Tác giả của nhiều bài báo khoa học về tình hình Biển Đông
 
Chia sẻ cùng IRers về con đường trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp, diễn giả cho biết đã trải qua nhiều thách thức và tìm ra những hành trang quý giá, đó là "teamwork", sự trải nghiệm thực tế, sự kiên trì, kỹ năng giao tiếp, ý thức về tài chính. Tất cả đều sẽ được thể hiện qua sự chăm chỉ và thái độ tích cực trong công việc.
 
 
Để trở thành nhà ngoại giao chuyên nghiệp cần phải vượt qua nhiều thử thách
 
Song song đó, khách mời đã chia sẻ về những khó khăn của cán bộ ngoại giao trong thời điểm dịch Covid, những thách thức khi phải đến Ấn Độ trong bối cảnh đó. Khi được hỏi rằng có sợ nguy hiểm không, khách mời cho biết: “Làm ngoại giao cũng như chiến sĩ, có nhiệm vụ, đến thời gian là phải tìm cách lên đường”.
Thông qua những câu chuyện thực tế về việc 22/26 đồng chí tại Đại sứ quán mắc Covid (trong đó có bản thân diễn giả) và những nổ lực để vượt qua, khách mời khẳng định “Làm ngoại giao phải vững tinh thần trước những tình huống xấu nhất”.
Về nội dung ngoại giao thời Covid, theo diễn giả sự thay đổi nhiều nhất là ở mục đích ngoại giao. Trước khi dịch bệnh xuất hiện, ngoại giao tập trung vào việc xem xét tình hình thế giới, thúc đẩy quan hệ với các quốc gia, phân tích sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong mối quan hệ tương quan về tiềm lực quốc gia. 
Khi đại dịch xuất hiện, nhiệm vụ của cơ quan ngoại giao tập trung vào việc phòng, chống dịch, hỗ trợ đất nước chống dịch qua các hình thức kết nối, trao đổi, thương lượng, đàm phán với các quốc gia khác về vaccine, thuốc và thiết bị y tế. Kế đó là ngoại giao gắn liền với quá trình số hóa dữ liệu, cải thiện công nghệ nhằm phục vụ tốt cho công việc. Thứ ba, khuyến nghị chính sách chống dịch cho quốc gia và cuối cùng là phương thức tổ chức sự kiện đã thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến.
 
  
Covid làm thay đổi chính sách, chiến lược ngoại giao của các quốc gia
 
Căn cứ vào những phân tích, diễn giả đưa ra dự báo về tình hình ngoại giao sau đại dịch Covid, trong đó, quá trình đánh giá sức mạnh toàn diện của một quốc gia sẽ khác; sự nâng cao nền tảng khoa học công nghệ; khái niệm an ninh quốc gia sẽ mở rộng bởi vì công nghệ, y tế sẽ trở thành những lĩnh vực mới của an ninh quốc gia; các nước sẽ chú ý vào lợi ích quốc gia nhiều hơn; chủ nghĩa dân tộc về công nghệ, y tế, an ninh lương thực tăng cao; thời kỳ toàn cầu hóa sẽ có những lúc rơi vào thời điểm thoái trào; mối liên hệ về kinh tế, văn hóa, chính trị sẽ thay đổi.
Khách mời cũng đã có phần trao đổi và thảo luận cùng với ThS. Nguyễn Thế Phương – Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế UEF về các vấn đề như: Tinh thần trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là sinh viên miền Nam; Sự khác biệt giữa quá trình công tác tại Đại sứ quán với việc nghiên cứu,... Từ đó, diễn giả nhấn mạnh rằng, một nhà ngoại giao cần vận dụng linh hoạt kiến thức chuyên môn vào quá trình thực tiễn để đạt hiệu quả ngoại giao tốt nhất.

Cuối chương trình, UEFers được nghe chia sẻ về nhận thức thực chất và hành động thực tiễn của sinh viên về vấn đề Biển Đông. Trước tiên, sinh viên cần phải nhận thức được vấn đề tranh chấp trên biển Đông mang tính phức tạp, gắn liền với lợi ích của nhiều quốc gia,... Vì vậy, nên mở rộng hơn hướng nghiên cứu, tiếp cận về vấn đề biển Đông.
 
 
Tọa đàm online thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên 
 
Quốc gia mạnh có những cá thể mạnh là điều kiện đủ, điều kiện cần là phải làm việc nhóm tốt, phối hợp để hành động hiệu quả, đoàn kết để phát huy tối đa chất lượng của công việc ngoại giao cũng như trong thực tế cuộc sống” – TS. Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh. 
Một lần nữa, các thành viên Nhà UEF nói riêng và sinh viên theo đuổi ngành Quan hệ quốc tế của các trường nói chung đã cập nhật thêm những kiến thức mới, bổ ích và quan trọng đối với công việc sau này. Mong muốn theo đuổi hướng ngoại giao thì đây sẽ là những tiền đề cho sự phát triển lâu dài.
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN