Menu
  
Tin tức sự kiện

IRers cùng nhìn lại những chuyển biến và xu thế phát triển của thế giới “hậu 11/9” sau hơn hai thập kỷ

13/09/2021
Tái hiện lại sự kiện lịch sử chấn động thế giới ngày 11/9/2001 – Vụ khủng bố ở Hoa Kỳ, từ đó cùng nhìn lại bức tranh toàn cầu trong 20 năm qua, lột tả những xu hướng phát triển trong ngoại giao quốc tế trước tình hình Covid-19 là những nội dung được chia sẻ trong talkshow "Thế giới hậu 11/9 - một số xu hướng chính trong Quan hệ quốc tế hiện nay" do khoa Quan hệ quốc tế tổ chức vào sáng ngày 11/9 vừa qua.
Đây vừa là diễn đàn thảo luận cho giảng viên vừa là cơ hội nâng cao kiến thức chuyên ngành cho sinh viên khoa về các vấn đề toàn cầu và sự tác động của các sự kiện chính trị đến mối quan hệ giữa các quốc gia.
Chương trình có sự tham dự của Ban chủ nhiệm khoa Quan hệ quốc tế, đông đảo sinh viên UEF cùng học viên cao học đến từ một số trường bạn. Diễn giả chính là GS.TS. Phạm Quang Minh – Trưởng bộ môn Nghiên cứu phát triển quốc tế, khoa Quốc tế học, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội. 
 
Diễn giả chương trình - GS.TS. Phạm Quang Minh – Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội
 
Với chủ đề này, sinh viên đã nắm được tình hình chung của thế giới trong 20 năm qua, sự phát triển của xu hướng toàn cầu hóa, khu vực hóa và chính sách đối ngoại – ngoại giao chuyên biệt của các quốc gia. 
 
Bối cảnh chung thế giới hậu “11/9”
 
Để có sự cảm nhận rõ nét về tình hình 20 năm trước, UEFers đã được xem đoạn phim tư liệu về sự kiện lịch sử 11/9/2001. Khách mời gợi mở bằng câu hỏi tương tác “Mối đe dọa lớn nhất đối với bạn và gia đình bạn là gì?” để dẫn nhập vào một nghiên cứu mang tính toàn cầu nói đến 7 mối nguy hại lớn nhất đối với thế giới. Trong đó, đầu tiên và lớn nhất là sự khủng bố của IS, 6 mối nguy còn lại bao gồm: Biến đổi khí hậu, Các cuộc tấn công mạng, Quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ (đối với 1 số quốc gia), Quyền lực và ảnh hưởng của Trung Quốc (đối với 1 số khu vực), Điều kiện về kinh tế toàn cầu (khủng hoảng, lạm phát,.. ), Sự di cư của những người Iraq và Syria với số lượng lớn. 
 
 
Bối cảnh New York năm 2001 và Kabul năm 2021
 
Tròn 2 thập kỷ, thế giới đã trải qua nhiều biến động lớn nhỏ khác nhau, có thể kể đến một số sự kiện tiêu biểu như: Chiến tranh ở Afghanistan, Iraq, Syria,… (năm 2001), sóng thần Châu Á (2004), mùa xuân Ả Rập (2010), làn sóng di cư vào Châu Âu (2015), Brexit (2016), sự kiện về tổng thống Donald Trump (2017), đại dịch Covid-19 (2019), sự trỗi dậy của Trung Quốc từ những năm 2000,…
 
Toàn cầu hóa và chính sách ngoại giao chuyên biệt
 
GS.TS. Phạm Quang Minh cung cấp đến sinh viên những kiến thức liên quan đến định nghĩa, xu hướng và mức độ toàn cầu hóa của các quốc gia. Theo đó, để đo chỉ số của các nước cần dựa vào những tiêu chí: mức độ hội nhập, sự kết nối về mặt công nghệ, sự liên hệ cá nhân và sự tham gia vào chính trị. Diễn giả khẳng định: “Quốc gia nào đóng cửa, không hội nhập sẽ không phát triển được. Toàn cầu hóa là xu thế tất yếu”.
Song song đó, khu vực hóa cũng là vấn đề cần được quan tâm. Đây là cấp độ bổ sung của toàn cầu hóa và là xu hướng chủ đạo. Sự ảnh hưởng và phát triển của chủ nghĩa khu vực đang ngày càng phát huy giá trị. Những nhân tố ảnh hưởng đến vấn đề này bao gồm 2 nhân tố: chính trị và kinh tế. Trong đó, nhân tố chính trị là sự ý thức về bản sắc chung, những mối đe dọa bên ngoài hoặc trong, giới lãnh đạo và chính trị nội tại. Còn nhân tố kinh tế là sự phụ thuộc ở trình độ cao, đặc biệt là thương mại, sự bổ sung của các nền kinh tế - chính sách, mong muốn thu hút sự đầu tư nước ngoài bằng cách mở rộng thị trường lớn hơn.
Chuyển sang vấn đề về ngoại giao chuyên biệt, khách mời cho biết lĩnh vực này thích ứng với bối cảnh mới hiện nay, phù hợp với các quốc gia tầm trung. Có nhiều hướng để thực hiện chích sách ngoại giao này, có thể kể đến như: ngoại giao trung gian hòa giải, ngoại giao số, ngoại giao y tế, ngoại giao năng lượng, ngoại giao nước, ngoại giao vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Trong đó, khách mời đã đề cập đến vấn đề ngoại giao y tế về vaccine Covid của Việt Nam. 
 
 
Hoạt động diễn ra trên nền tảng Zoom, thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên 
 
Nhìn chung, trong 2 thập kỷ qua, thế giới đã chuyển từ “hậu chiến tranh lạnh” sang “hậu 11/9” và sắp tới sẽ là “hậu Covid-19”. Trong bối cảnh phát triển mới của thế giới, chủ nghĩa đa phương, hợp tác và luật pháp quốc tế là những vấn đề cần được ưu tiên. 
Trong gần 3 giờ đồng hồ, UEFers đã được tiếp cận nhiều mặt của tình hình thế giới trong bối cảnh mới. Đối với những bạn trẻ định hướng theo con đường ngoại giao hoặc các nghề nghiệp gắn với yếu tố quốc tế, đây sẽ là hành trang cần thiết để phát triển bản thân. 
 
Quy Nguyễn
TIN LIÊN QUAN