Menu
  
Hoạt động quốc tế

[Lớp đồng giảng] UEFers học tập cùng Giáo sư và sinh viên Đại học quốc tế Karlshochschule – Đức

09/11/2021
Trong khuôn khổ hoạt động đồng giảng, cung cấp những khóa học quốc tế đặc sắc cho sinh viên, tối 8/11, UEFers đã có cơ hội giao lưu, học tập cùng giảng viên, sinh viên Đại học quốc tế Karlshochschule (Karls) – Đức. Đây là ngôi trường mà cựu sinh viên Trịnh Thị Vy Phương từng được trao suất học bổng “Summer Academy on Intercultural Experience”.
Buổi học là sự kết hợp giữa môn Introduction to International Relations (Nhập môn Quan hệ quốc tế) của Karls và môn học International Relations Theories (Lý thuyết Quan hệ quốc tế) của UEF.
Tham dự, chia sẻ tại lớp học có Hiệu trưởng Karls – Giáo sư Michael Zerr, TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng – Viện trưởng Viện Quốc tế UEF, TS. Trần Thanh Huyền – Trưởng khoa Quan hệ quốc tế UEF cùng các giảng viên trường đối tác và UEF.
 
Lớp đồng giảng
GS. Michael Zerr - Hiệu trưởng Karls phát biểu mở đầu chương trình

 
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Đại diện UEF chia sẻ ý nghĩa lớp học và nhắc lại mối liên hệ gắn kết giữa 2 trường
 
Đứng lớp hướng dẫn cho sinh viên 2 trường là GS.TS. Anthony Teitler với chủ đề bài giảng “Chủ nghĩa nữ quyền và Quan hệ quốc tế”. GS.TS. Anthony Teitler là Trưởng khoa Khoa học xã hội - bao gồm ngành Quan hệ quốc tế ở các chương trình học đại học tại Karls. Ông là tác giả đã xuất bản các đầu sách chuyên khảo về các vấn đề quan hệ quốc tế, triển khai các dự án liên quan đến nghiên cứu và phân tích thực địa rộng rãi ở Trung Đông, Afghanistan. Các lĩnh vực chuyên môn chính của ông là lý thuyết quan hệ quốc tế, Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và đạo đức,…
 



Khách mời, giảng viên 2 trường tham gia buổi học
 
Trong nội dung hướng dẫn của mình, GS.TS. Anthony Teitler đã cho thấy sự phong phú và đa đạng của tư tưởng nữ quyền trong quan hệ quốc tế. Quá trình hình thành và phát triển của nữ quyền, làm thế nào mà những tư tưởng này càng ngày càng trở nên phù hợp với những góc nhìn trong quan hệ quốc tế từ cuối thời kỳ Chiến tranh lạnh được ông phân tích rõ. 
Bện cạnh đó, vị giáo sư này cũng chia sẻ cách thức các lý thuyết về nữ quyền sử dụng giới như một phạm trù được xây dựng về mặt xã hội để phê phán các phạm trù và thứ bậc tồn tại trong nền chính trị toàn cầu; Các phương pháp tiếp cận khác nhau trong chủ nghĩa nữ quyền.
 
GS.TS. Anthony Teitler là giảng viên đứng lớp hướng dẫn

  


Sinh viên 2 trường giới thiệu bản thân và gửi lời chào đến thầy cô và những người bạn mới

Tham gia lớp đồng giảng là dịp để sinh viên (cụ thể là những bạn sinh viên từ năm 2 trở lên, đã bắt đầu vào học các môn chuyên ngành) trải nghiệm những lớp học mang tính chất quốc tế. Ngoài ra, các bạn cũng được làm quen với phương pháp học tập mới, chủ động hơn và học hỏi thêm kinh nghiệm được từ thầy cô và bạn bè quốc tế. 

Theo ThS. Lê Phương Cát Nhi – Giảng viên khoa Quan hệ quốc tế: “Một buổi học về Lý thuyết Quan hệ quốc tế tại Karlschochules kéo dài từ 5 - 6 tiếng, do đó để có thể theo kịp trên lớp thì các bạn sinh viên phải đọc trước bài ở nhà rất nhiều. Khi sinh viên Quan hệ quốc tế UEF tham dự lớp, các bạn cũng được yêu cầu phải đọc bài từ trước để tham gia vào tất cả các hoạt động của giáo sư. Vì vậy, UEFers phải đọc bài và chuẩn bị bài trước một tuần. Đây được xem là một cách để các bạn làm quen với việc học tập chủ động và là một trải nghiệm theo mình rất quan trọng với sinh viên Nhà UEF. Ngoài ra, các bạn cũng được tiếp cận các hình thức giảng dạy thú vị từ phía GS.TS. Teitler”.
Bản thân mình khi tham dự lớp đồng giảng cũng đã học hỏi được rất nhiều từ GS.TS. Teitler, từ phong cách giảng dạy cho đến khả năng biến những kiến thức về lý thuyết rất khó và khô khan thành những điều rất dễ hiểu và dễ tiếp cận. Mình cũng rất vui khi thấy sinh viên Nhà UEF rất hứng thú tham gia vào buổi học, có những bạn thậm chí còn xin tiếp tục ở lại lớp dù cho phần học dành cho sinh viên UEF đã kết thúc” – Cô Cát Nhi chia sẻ thêm.

TT.TT-TT
TIN LIÊN QUAN